Viêm gan do rượu

Câu hỏi: Tôi có người nhà nghiện uống rượu đã nhiều năm, gần đây đi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ nói người nhà tôi có thể bị viêm gan do rượu, phải đi khám và điều trị. Cho tôi hỏi bệnh này nên khám ở đâu và nguy hiểm như thế nào?

          Viêm gan do rượu là quá trình viêm cấp tính hoặc mạn tính ở gan do uống rượu. Các trường hợp viêm gan do rượu hầu hết xảy ra ở người uống một lượng rượu lớn trong một hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, không chỉ những người nghiện rượu nặng, những người uống rượu trong khoảng thời gian ngắn nhưng với một lượng lớn và liên tuc cũng có thể dẫn đến viêm gan. Nếu uống > 160gr/ngày (khoảng 500ml rượu 40o) liên tục trong 7 ngày thì sẽ có nguy cơ bị viêm gan do rượu và nếu tình trạng đó kéo dài trên 8 năm thì nguy cơ xơ gan là 40%. Khoảng 80% người uống rượu trên 5 năm bị viêm gan do rượu, thời gian uống rượu càng dài (10 - 15 năm hoặc hơn) và lượng cồn đưa vào người càng nhiều thì khả năng phát triển thành viêm gan do rượu và xơ gan sẽ càng cao.

Khi rượu (cồn) bạn uống vào, quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể tạo ra những chất cực độc làm biến đổi chuyển hóa cục bộ ở gan, sự tân tạo đường giảm sút và gia tăng tổng hợp acid béo, triglycerid dẫn tới tăng mỡ máu, từ đó kích hoạt quá trình viêm và phá hủy tế bào gan. Dần dần, các mô sẹo sẽ thay thế các tế bào gan khỏe dẫn đến xơ gan và suy giảm chức năng gan. Xơ gan là giai đoạn cuối của bệnh viêm gan do rượu.

Khi bạn nhiễm virus viêm gan C, đồng thời uống nhiều rượu sẽ có nguy cơ xơ gan cao hơn khi bạn không uống rượu.

 

 

Một số các yếu tố khác như giới tính, bữa ăn trong lúc uống rượu cũng có thể tác động gây viêm gan do rượu. Nếu bạn được chẩn đoán là viêm gan do rượu, bạn bắt buộc phải ngừng uống rượu, nếu không các tết bào gan sẽ bị phá hủy và bạn phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tử vong.

Triệu chứng:

Triệu chứng của bệnh viêm gan do rượu có thể diễn biến từ không triệu chứng (hoặc nhẹ) đến suy giảm chức năng gan và gây tử vong. Một số triệu chứng thường gặp của viêm gan do rượu như:

+ Vàng da, vàng mắt

+ Bệnh nhân chán ăn, khó chịu, sụt cân

+ Buồn nôn, nôn

+ Đau bụng

+ Đôi khi sốt cao 39 độ C, khoảng một nửa trường hợp

+ Khám thấy: Gan to, đau (đa số thường gặp), lách to (khoảng 1/3 trường hợp)

+ Nặng hơn có thể có: Cổ trướng, phù, chảy máu, bệnh não gan

+ Nghiện rượu cũng có thể gây suy dinh dưỡng do ức chế thèm ăn vì năng lượng họ nhận được chủ yếu từ rượu. Nhưng triệu chứng này có thể không xuất hiện cho tới khi gan đã bị tổn thương nghiêm trọng.


 

Các xét nghiệm

Bạn nên làm xét nghiệm kiểm tra chức năng gan định kỳ để kiểm soát bệnh. Một số xét nghiệm máu cần làm như: GOT (ALT), GPT (AST), GGT. Ngoài ra siêu âm cũng là một phương pháp giúp chẩn đoán hiệu quả, rẻ tiền và dễ thực hiện.

Sinh thiết gan làm mô bệnh học để chẩn đoán xác định, tuy nhiên đây là một thủ thuật đòi hỏi kỹ thuật và khá tốn kém.

Điều trị:

Việc điều trị viêm gan chỉ mang tính hỗ trợ nhằm cải thiện và tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân. Quan trọng nhất là phải ngưng uống rượu.

- Thay đổi lối sống:

+  Bỏ rượu bia

+ Chế độ ăn: Ăn đủ lượng calo cần thiết (khoảng 2000- 3000Kcal với các trường hơp ăn uống bình thường). Hạn chế chất béo (tránh ăn thức ăn chiên, xào, rán). Ăn ít nhất 1g protein cho 1kg trọng lượng cơ thể. Ăn nhiều hoa quả, đảm bảo đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin (nhất là vitamin B1) và acid folic. Uống ít nhất 2 lít nước một ngày.

+ Tập luyện hợp lý, vận động phù hợp với cơ thể.

- Sử dụng thuốc: Theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Bạn có thể đến khám tại các Bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật trên cả nước. Một số địa chỉ uy tín như: BV Bạch Mai, BV Đại học Y, BV Việt Đức, BV 108, BV 103, BV E...

Phòng ngừa và điều trị hỗ trợ

Cách duy nhất để phòng ngừa viêm gan do rượu là không uống tất cả các loại rượu. Đối với trường hợp nghiện rượu, cần đến các trung tâm hỗ trợ cai rượu.

Nếu đã bị nhiễm virus viêm gan C, bạn không nên uống rượu để giảm nguy cơ viêm gan nặng hơn và xơ gan.

Nếu đang trong quá trình điều trị thuốc, bạn không nên uống rượu. Hãy tham khảo bác sĩ điều trị nếu gặp bất kỳ khó khan nào.

Hy vọng thông tin trên đã đáp ứng được thắc mắc của bạn đọc. Chúc bạn đọc luôn có sức khỏe tốt!

about-star
about-star