Phòng tránh bệnh ung thư gan

CÂU HỎI: Xin bác sỹ cho biết bệnh ung thư gan có phòng tránh được không?

TRẢ LỜI:

I. Dịch tễ và các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan

Ung thư gan (HCC: Hepatocellular carcinoma) là bệnh lý ác tính đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Theo ghi nhận của Globocan 2020, tại Việt Nam, HCC đứng hàng thứ nhất về tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong, ghi nhận có gần 182,000 ca HCC mới mắc, trong đó tỷ lệ tử vong là 67,2% [9].

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến HCC đã được xác định, các nguy cơ đó làm tổn thương nhu mô và dẫn đến xơ gan. Viêm gan mạn tính do virus viêm gan B và C cũng là nguyên nhân dẫn đến HCC:

- Xơ gan: Các bệnh nhân xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào đều có nguy cơ phát triển thành HCC. Hơn 1/3 bệnh nhân xơ gan tiển triển thành HCC trong suốt cuộc đời, với tỷ lệ mắc hàng năm là 1 đến 8% [3].

- Nhiễm siêu vi viêm gan: Trong một nghiên cứu gần 770,000 trường hợp HCC, hơn 50% do siêu vi viêm gan B mạn tính và 20% do siêu vi viêm gan C [7]

+ Siêu vi viêm gan B: Viêm gan do siêu vi B mạn tính làm tăng nguy cơ HCC [10]. Đa phần HCC trên bệnh nhân nhiễm siêu vi B có kèm theo tình trạng xơ gan.

+ Siêu vi viêm gan C: là một trong những nguy cơ tiển triển thành HCC. HCC thường tiến triển từ những bệnh nhân viêm gan C có xơ gan hoặc tình trạng xơ hóa gan tiến xa [5]. Bệnh cạnh xơ gan, các yếu tố nguy cơ khác có thể đi kèm đồng thời với viêm gan do siêu vi C làm tăng nguy cơ tiển triển thành HCC như: đồng nhiễm siêu vi viêm gan khác (siêu vi B hoặc các loại virus làm giảm hệ miễn dịch), hút thuốc lá, uống rượu hoặc các bệnh lý chuyển hóa như đại tháo đường, béo phì.

+ Siêu vi viêm gan D: trong một nghiên cứu tổng hợp từ 93 nghiên cứu hơn 98,000 bệnh nhân đồng nhiễm siêu vi viêm gan D và B có tỷ lệ mắc HCC cao hơn những bệnh nhân chỉ mắc virus viêm gan B [1]

- Các yếu tố về môi trường:

 

 

 

 

+ Aflatoxin B1: là một loại độc tố vi nấm nằm trong các loại thực phẩm bị nấm mốc – là một trong những nguy cơ phát triển HCC.

+ Thói quan nhai trầu: trong một vài nghiên cứu kiểm chứng, nhai trầu là một trong những  yếu tố nguy cơ độc lập gây HCC.

+ Nhiễm sắt quá mức

- Các yếu tố lối sống: uống rượu, hút thuốc

- Các yếu tố chuyển hóa: Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, đái tháo đường, béo phì

- Các yếu tố về gen: Bệnh rối loại sắc tố di truyền, thiếu Apha 1 – antitripsin

II.Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán

1. Triệu chứng lâm sàng

Nhiều bệnh nhân HCC không biểu hiện triệu chứng liên quan đến khối u, tuy nhiên gần 90% bệnh nhân HCC có xơ gan kèm theo [8]. Do vậy, các bệnh nhân thường biểu hiện triệu chứng  của bệnh lý xơ gan: báng bụng, vàng da niêm, sao mạch, lòng bàn son, tuần hoàn bàng hệ, nữ hóa tuyến vú, teo tinh hoàn, phù ngoại vi… hơn là triệu chứng của khối u gan gây ra.

- Những bệnh nhân giai đoạn tiến xa có thể biểu hiện đau phần bụng trên từ nhẹ đến nặng, sụt cân, ăn uống kém, sờ thấy một khối ở hạ sườn (P) [2].

- Bệnh nhân HCC có thể có các triệu chứng cận u như: tăng calci máu, tăng đường huyết, đa hồng cầu nguyên phát, tiêu chảy, các triệu chứng ở da: viêm da, bỏng vảy da -> tuy nhiên các triệu chứng này không đặc hiệu cho HCC.

- Các triệu chứng khác:

+ Các triệu chứng liên quan đến khối u vỡ: Đau bụng đột ngột ngày càng tăng…

+ Tắc đường mật trong và ngoài gan do u hoặc hạch chèn ép

+ Sốt kéo dài do u hoại tử

- Di căn ngoài gan: các vị trí di căn ngoài gan thường gặp nhất: phổi, hạch ổ bụng, xương, tuyến thượng thận, hiếm khi di căn não.

2. Các dấu ấn sinh học

- AFP (Alpha – fetoprotein): xét nghiệm sinh học thường được sử dụng nhất trong chẩn đoán và theo dõi HCC. Mức AFP 20ng/ml là ngưỡng thường dùng để đánh giá HCC trong thực hành lâm sàng, với độ nhạy 60% và độ đặc hiệu 80%.

- Nồng độ AFP trong huyết thanh thường tăng cao hơn trong HCC giai đoạn tiến xa so với HCC giai đoạn sớm. Nhưng nhìn chung thì giá trị HCC không tương quan với biểu hiện lâm sàng của khối u. AFP > 400ng/ml ở những bệnh nhân nguy cơ cao giúp chẩn đoán HCC với độ đặc hiệu > 95%. Tuy nhiên khoảng 20% bệnh nhân HCC không tăng AFP.

III. Chẩn đoán

- Các bệnh nhân xơ gan hoặc nhiễm siêu vi viêm gan B mạn là những đối tượng có nguy cơ cao tiển triển thành HCC. Do vậy, thường được tầm soát HCC bằng siêu âm bụng có thể kèm theo xét nghiệm AFP để có thể phát hiện HCC giai đoạn sớm, giai đoạn có thể điều trị khỏi bệnh.

- Những bệnh nhân phát hiện khối u đặc ở gan khi siêu âm, có thể dùng CTScan hoặc MRI có tiêm thuốc tương phản để đánh giá khối u gan này. Siêu âm bụng có thuốc tương phản cũng được sử dụng đánh giá khối u đặc ở gan. Nếu khối u có những đặc điểm điển hình HCC trên hình ảnh và AFP > 400ng/ml, các trường hợp này không cần phải sinh thiết để có chẩn đoán mô học, đặc biệt đối với u có thể cắt được.

- Khi phát hiện khối u gan trên những bệnh nhân không có bệnh lý gan mạn, cần phải loại trừ các trường hợp di căn đến gan trước khi chẩn đoán HCC.

IV. Các phương pháp điều trị HCC hiện tại

Nguyên tắc điều trị HCC

- Điều trị khối u gan.

- Điều trị các yếu tố nguy cơ.

Điều trị HCC phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

-  Giai đoạn bệnh gan hiện tại.

- Tình trạng bệnh lý hiện tại của gan: tình trạng kèm xơ gan kèm theo làm hạn chế khả năng phẫu thuật. Tình trạng viêm gan, gan nhiễm mỡ, ứ đọng sắt trong gan suy giảm chức năng gan khiến cuộc mổ không an toàn, gây nhiều biến chứng trong và sau mổ như: chảy máu, suy gan sau mổ, hôn mê gan.

- Thể trạng, tuổi bệnh nhân: bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm, thể trạng suy nhược cũng hạn chế khả năng phẫu thuật hoặc sử dụng hóa trị.

- Điều kiện kinh tế và các phương tiện sẵn có tại bệnh viện, tại địa phương. Ảnh hưởng của từng phương pháp lên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị HCC hiện tại

- Điều trị triệt để: Phẫu thuật (cắt một phần gan) hoặc ghép gan

- Điều trị hỗ trợ/ tạm thời: hủy u bằng sóng cao tần (RFA) hoặc vi sóng (MWA), thuyến tắc động mạch gan bằng hóa chất (TACE), bằng dầu (TOCE), thuyên tắc động mạch gan bằng hạt phóng xạ (Yttrium – 90), tiêm cồn vào u gan

- Các phương pháp khác: Hóa trị toàn thân, liệu pháp nhắm đích

                       

 

 

 

V. Tầm soát HCC

Mục tiêu của tầm soát ung thư là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi bệnh nhân chưa có triệu chứng, để mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Theo những hướng dẫn hiện nay khuyến cáo siêu âm tầm soát và xét nghiệm AFP mỗi 6 tháng ở các bệnh nhân nguy cơ cao HCC. Các phương pháp hình ảnh học như CTScan và MRI bụng được sử dụng trong các trường hợp tăng AFP hoặc có tổn thương gan > 10mm khi siêu âm. Các khối u gan < 10mm, khó để xác định bản chất trên hình ảnh học, do vậy trong trường hợp này các chuyên gia khuyến cáo nên xét nghiệm lại AFP và siêu âm gan mỗi 3 đến 6 tháng.

VI. Các phương pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ HCC

- Tiêm vaccin ngừa viêm gan siêu vi B từ sơ sinh.

- Cẩn thận trong vần đề truyền máu.

- Quan hệ tình dục an toàn.

- Vô trùng dụng cụ y – nha khoa (tiêm chích, phẫu thuật, nội soi…)

- Giảm uống rượu bia, nhất là khi có tiền căn nhiễm siêu vi viêm gan để tránh xơ gan.

- Trách sử dụng ngũ cốc đã hư mốc.

- Những bệnh nhân có nguy cơ cao tiến triển thành HCC: nhiễm siêu vi viêm gan B hoặc C, xơ gan nên đi khám định kỳ mỗi 6 tháng, với khảo sát siêu âm bụng và xét nghiệm AFP. Những nơi có đièu kiện làm thêm xét nghiệm AFP-L3 và DCP.

 

(Bài trả lời do BSCK1 Trần Trọng Hữu - Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ biên soạn và được Ban Biên tập Trang TTĐT Hội Gan mật VN hoàn chỉnh. Nội dung này của Chuyên mục Giải đáp Gan mật tụy do Công ty Bayer đồng hành và tài trợ).

 

 

about-star
about-star