Giải đáp về AFP

Bác sỹ cho em hỏi AFP tăng cao có nguy hiểm không? Có phải AFP tăng cao là bị ung thư gan không ạ?

 

Alpha-fetoprotein (AFP) là protein huyết tương có nồng độ cao trong máu thai nhi. Thông thường, AFP được tạo ra bởi các tế bào gan chưa trưởng thành trong bào thai. Vào năm đầu đời, khi mới sinh, trẻ sơ sinh có nồng độ AFP trong máu tương đối cao, sau đó giảm dần về mức bình thường. Những người trưởng thành khỏe mạnh và không mang thai thường có nồng độ AFP trong máu rất thấp (thường <10 ng/ml); Nhưng khi bạn bị mắc các bệnh lý gan hoặc đang mang thai thì chất này sẽ xuất hiện nhiều hơn trong máu.

Xét nghiệm định lượng AFP đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát và chẩn đoán sớm ung thư gan và dị tật thai nhi, đồng thời phát hiện sớm vấn đề sức khỏe để có thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả kịp thời.

Trong các bệnh lý về gan, nồng đồ AFP có thể tăng khi xơ gan, viêm gan, các tổn thương gan cấp tính hoặc mạn tính, ung thư biểu mô tế bào gan,… Tuy nhiên, AFP là một chỉ số không có độ nhạy cao với ung thư biểu mô tế bào gan (HCC – Hepatocellular carcinoma). Với ngưỡng chẩn đoán 20 ng/ml có độ nhạy là 60% trong phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan; 1/3 số bệnh nhân HCC không tăng AFP và chỉ có 30% trường hợp có nồng độ AFP >50 ng/ml. Giá trị AFP 200ng/ml là ngưỡng gợi ý chẩn đoán HCC và tiên lượng bệnh. Nồng độ trên 400 ng/ml hoặc tăng nhanh gấp đôi là dấu hiệu gợi ý HCC. Tuy nhiên, đối với những người có AFP tăng nhưng dưới 200 ng/mL, nên xét nghiệm thêm AFP-L3 và DCP (còn được gọi là PIVKA-II). Các chất chỉ điểm AFP-L3 (>5%) và DCP (>40 mAU/mL) giúp tăng độ đặc hiệu, cải thiện khả năng phát hiện sớm UBTG. Những xét nghiệm này cũng có thể giúp bác sĩ theo dõi quá trình điều trị ung thư và giúp điều trị hiệu quả.

about-star
about-star