Bệnh ung thư Gan và những điều bạn nên biết

1. Ung thư gan là gì?

Ung thư gan xảy ra khi các tế bào bình thường trong gan biến đổi thành các tế bào bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Gan là một cơ quan lớn ở phía trên bên phải của bụng.

 

 

Gần 85% bệnh ung thư gan xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2020, Việt Nam xếp trong nhóm những nước mắc ung thư gan cao trên thế giới, số trường hợp mới mắc ung thư gan là 26.418, chiếm tỷ lệ 14,5 (%), số trường hợp tử vong là 25.272, chiếm tỷ lệ 20,6 (%).

Hầu hết những người bị ung thư gan đều mắc bệnh gan lâu năm (còn gọi là bệnh gan mạn tính). Mắc bệnh gan mạn tính làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư gan. Hình thức phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất của bệnh gan mạn tính là tình trạng "xơ gan", gây sẹo cho gan và ung thư gan có thể phát triển trên nền gan xơ hóa. Thường liên quan đến lối sống sử dụng rượu bia thường xuyên và yếu tố dịch tễ nhiễm viêm gan virus.

 

2. Các triệu chứng của bệnh ung thư gan là gì?

Ung thư gan thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào của riêng nó. Một số bệnh nhân có thể bị nổi cục hoặc đau nhẹ ở bụng trên, cảm thấy no sớm khi họ cố gắng ăn hoặc giảm cân.

Những người khác có thể có các triệu chứng do bệnh gan gây ra trước khi bị ung thư. Những triệu chứng đó có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc tái diễn nhiều lần khi bị ung thư gan. Chúng bao gồm:

● Bụng chướng hoặc phù chân

● Da hoặc phần lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng

Nếu bạn có những triệu chứng này, bạn nên đi khám ngay.

 

3. Có những xét nghiệm nào để chẩn đoán ung thư gan?

Nếu bác sĩ nghi ngờ một người bị ung thư gan, họ sẽ làm một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

● Xét nghiệm máu: Alpha-fetoprotein (AFP) là một loại protein do gan tổng hợp ở giai đoạn phát triển bào thai, khi thai nhi ra đời thì gan ngừng tổng hợp. Hiện nay, bằng phương pháp phóng xạ – miễn dịch hoặc miễn dịch men, người ta đã có thể định lượng được AFP và thấy rằng ở người bình thường, nồng độ AFP là 3,4 ng/ml huyết thanh với khoảng dao động 0 – 20 ng/ml.

         AFP tăng trong khoảng 75% các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan. Mức tăng AFP có thể lớn, trên 500 ng/ml cho đến > 10000 ng/ml, mức tăng này hầu như đặc hiệu cho ung thư biểu mô tế bào gan. Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan do Bộ Y tế VN ban hành, ngưỡng giá trị chẩn đoán của AFP là 400 ng/ml. Người ta thấy sau phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc sau điều trị ung thư gan bằng phương pháp khác, nồng độ AFP giảm nhanh. Sự tăng AFP trở lại sau điều trị thể hiện bệnh tái phát hoặc thất bại của điều trị. Vì vậy AFP còn được dùng để đánh giá kết quả điều trị và theo dõi tiên lượng bệnh.

● Chụp MRI, chụp CT, siêu âm hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác - Các xét nghiệm hình ảnh tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể và có thể cho thấy sự phát triển bất thường của khối u, hạch cũng như các tổn thương do u xâm lấn, di căn.

● Sinh thiết - Đối với xét nghiệm này, bác sĩ chuyên khoa gan mật sẽ sinh thiết lấy một mẫu mô nhỏ từ gan. Sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xem xét mẫu dưới kính hiển vi để xem liệu nó có bị ung thư hay không.

 

4. Giai đoạn ung thư gan là gì?

Giai đoạn ung thư là một cách mà các bác sĩ ung thư tìm hiểu xem ung thư đã lan qua lớp mô nơi nó bắt đầu chưa và nếu có thì bao xa. Từ đó sẽ lên kế hoạch điều trị cũng như tiên lượng cho người bệnh về khả năng điều trị khỏi, khả năng tái phát sau điều trị hay thời gian sống thêm cho người bệnh.

 

5. Điều trị ung thư gan như thế nào?

Ung thư gan có thể được điều trị theo nhiều cách khác nhau. Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư của bạn. Nó cũng phụ thuộc vào mức độ khỏe mạnh của gan (nói cách khác, mức độ nghiêm trọng của bệnh gan mạn tính trước khi bạn bị ung thư). Các phương pháp điều trị khác nhau bao gồm:

● Phẫu thuật - Ung thư gan đôi khi có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị ung thư.

● Ghép gan - Ghép gan là một loại phẫu thuật trong đó bác sĩ thay thế gan bị bệnh bằng gan khỏe mạnh từ một người khác.

● Liệu pháp tiêu hủy khối u - Là một thủ thuật có thể tiêu diệt các tế bào ung thư trong gan. Nó không liên quan đến phẫu thuật. Các bác sĩ có thể thực hiện liệu pháp cắt bỏ bằng nhiều cách khác nhau. Có thể tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng nhiệt (nóng hoặc lạnh), vi sóng (microwave), sóng cao tần (RFA), laser hoặc xạ trị.

● Chặn nguồn cung cấp máu của bệnh ung thư - Các bác sĩ có thể thực hiện một thủ thuật gọi là "thuyên tắc mạch" để chặn mạch máu đưa máu đến nuôi tế bào ung thư. Bằng cách "bỏ đói" khối u như vậy khiến ung thư không thể phát triển. Đôi khi, liệu pháp thuyên tắc được kết hợp với hóa trị (TACE) hoặc xạ trị (TARE).

● Hóa trị - Hóa trị là thuật ngữ để chỉ các loại thuốc độc tế bào tiêu diệt tế bào ung thư.

● Điều trị đích - Liệu pháp điều trị đích là một loại điều trị ung thư sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng hoặc các chất phân tử nhỏ khác để xác định và tấn công chính xác tế bào ung thư. Cơ chế điều trị đích tác động đến gen và protein chuyên biệt còn điều trị hoá chất đơn thuần tác động vào cả tế bào bình thường và tế báo ung thư theo cơ chế gây độc và giết chết tế bào. Ví dụ trong ung thư gan, Sorafenib (Nexavar) là thuốc điều trị đích đường uống được chỉ định cho ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn không mổ được. Và thuốc cần được chỉ định cũng như theo dõi điều trị bởi các bác sĩ ung thư có kinh nghiệm.

● Liệu pháp miễn dịch - Đây là thuật ngữ mà bác sĩ sử dụng cho các loại thuốc hoạt động để kích hoạt hệ thống miễn dịch dựa vào ức chế điểm kiểm soát miễn dịch để ngăn chặn sự phát triển của ung thư, ngăn chúng phát triển.

 

6. Điều gì xảy ra sau khi điều trị?

Sau khi điều trị, bệnh nhân ung thư gan sẽ được kiểm tra thường xuyên để xem liệu ung thư có tái phát hay tiến triển, di căn không. Các xét nghiệm theo dõi thường xuyên thường bao gồm khám, xét nghiệm máu AFP và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.

Người bệnh ung thư cũng nên theo dõi các triệu chứng được liệt kê ở trên. Có những triệu chứng đó có nghĩa là ung thư đã quay trở lại. Nói với bác sĩ đang theo dõi nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào.

Nếu người bệnh đã được ghép gan thì sẽ cần phải dùng các loại thuốc được gọi là "thuốc chống thải ghép" cho phần còn lại của cuộc đời. Những loại thuốc này giúp giữ cho cơ thể  không phản ứng xấu với lá gan mới của người bệnh.

 

7. Điều gì xảy ra nếu ung thư tái phát hoặc di căn?

Nếu ung thư tái phát hoặc di căn, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về các lựa chọn điều trị có thể xảy ra. Chúng có thể bao gồm các phương pháp điều trị được liệt kê ở trên.

 

8. Người bệnh ung thư gan cần làm điều gì khác nữa?

Điều quan trọng là làm theo tất cả các hướng dẫn của bác sĩ về thăm khám và xét nghiệm. Người bệnh ung thư gan cũng cần nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ hoặc vấn đề nào gặp phải trong quá trình điều trị. Những người bị ung thư gan, đặc biệt là nếu họ bị bệnh gan mạn tính, nên tránh rượu và bất kỳ loại thuốc nào có thể gây hại cho gan.

Điều trị ung thư gan liên quan đến việc đưa ra nhiều lựa chọn, chẳng hạn như phương pháp điều trị nào. Luôn cho bác sĩ biết cảm giác của người bệnh ung thư gan về phương pháp điều trị mà họ đang được tiến hành. Bất kỳ khi nào người bệnh ung thư gan được bác sĩ đưa ra một phương pháp điều trị thì người bệnh nên hỏi rõ bác sĩ những vấn đề sau:

● Những lợi ích của phương pháp điều trị này là gì? Nó có khả năng giúp tôi sống lâu hơn không? Nó sẽ làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng của tôi hay không?

● Nhược điểm của phương pháp điều trị này là gì? Các tác dụng không mong muốn nào cần lưu ý và cách xử trí đối với điều trị hiện tại?

● Có lựa chọn nào khác ngoài phương pháp điều trị này không?

● Điều gì xảy ra nếu tôi không theo phương pháp điều trị này?

Khi bác sĩ có thể trả lời được hết các câu hỏi này thì sẽ giúp người bệnh ung thư gan hiểu rõ căn bệnh của họ, phương pháp điều trị, hiệu quả và tác dụng không mong muốn của phương pháp sẽ tiến hành, cũng như các phương pháp có thể thay thế và tương lai của người bệnh.

(Bài viết do ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Huyền - BV Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City biên soạn. Nội dung này của Chuyên mục Giải đáp Gan mật tụy do Công ty Bayer đồng hành và tài trợ).

about-star
about-star