Sỏi túi mật là bệnh rất phổ biến, ước tính có khoảng 20 triệu người Mỹ trong độ tuổi từ 20 đến 74 mắc sỏi túi mật. Tại Việt Nam, sỏi mật chiếm khoảng 6,11% dân số. Các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi mật là mang thai, béo phì, giới tính nữ, một số loại thuốc, hội chứng chuyển hóa, giảm cân nhanh, nhịn ăn thường xuyên, sau phẫu thuật cắt dạ dày và bệnh đường tiêu hóa. Có hai loại sỏi túi mật, cholesterol và canxi bilirubinate. Cắt túi mật nội soi điều trị sỏi mật có triệu chứng là phương pháp tiêu chuẩn. Do không có túi mật sau phẫu thuật nên có thể gây ra sự gia tăng áp lực trong lòng ống mật chủ. Điều này có thể dẫn đến giãn ống mật chủ sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật và đau đường mật. Hội chứng sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật bao gồm các triệu chứng như đau bụng và thay đổi sinh lý tiêu hoá vẫn còn là một thực tế gây tranh cãi. Ngoài ra, cắt túi mật còn làm thay đổi sinh lý và niêm mạc ống mật, ruột. Do đó tán sỏi qua da là kỹ thuật giúp bảo tồn các trường hợp túi mật còn tốt. Theo một nghiên cứu của Zou (2007), tỷ lệ thành công của kỹ thuật này là 90% đối với 439 bệnh nhân. Một nghiên cứu khác của Kim (2011) thực hiện lấy sỏi túi mật qua da trên 63 bệnh nhân, tỷ lệ thành công kỹ thuật đạt 94%. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 8/2018 tán sỏi túi mật qua da được triển khai, chỉ định cho nhóm 1: Các trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi trên bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật và nhóm 2: Các trường hợp túi mật còn hình thái bình thường, khả năng co bóp sau ăn ≥ 40%, không rối loạn mỡ máu, không viêm gan, xơ gan. Với nhiều cải tiến, phương pháp tán sỏi mật qua da một thì có khâu kín túi mật được áp dụng với tỷ lệ thành công cao đạt 98%, ít xâm lấn và thời gian nằm viện ngắn hơn.
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Sỏi trong gan từ lâu đã là một bệnh lý phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Xu hướng điều trị sỏi trong gan hiện nay là thực hiện các phương pháp can thiệp ít xâm hại. Trong đó, nội soi tán sỏi bằng điện thủy lực (Electrohydraulic lithotripsy- EHL) qua da là một lựa chọn hiệu quả. Tuy vậy, vẫn chưa có nhiều tác giả trong nước đi sâu phân tích kết quả của kỹ thuật này. Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả kỹ thuật nội soi đường mật để điều trị sỏi trong gan bằng EHL qua hai kênh tiếp cận đường mật phổ biến là đường hầm dẫn lưu Kehr và đường hầm xuyên gan qua da.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang, hồi cứu kết hợp tiến cứu, không đối chứng trên 1236 bệnh nhân (BN) sỏi mật trong gan được nội soi tán sỏi bằng điện thủy lực qua đường hầm dẫn lưu Kehr và đường hầm xuyên gan qua da, từ tháng 01 năm 2010 đến tháng 02 năm 2024 tại bệnh viện Quân y 103.
Kết quả: Thực hiện nội soi đường mật tán sỏi bằng EHL trên 872 BN qua đường hầm dẫn lưu Kehr và 364 BN qua đường hầm xuyên gan qua da. Độ tuổi trung bình: 59,3 ± 11,6. Tỷ lệ nữ/nam: 1,18/1. Đa số BN có nhiều sỏi ở nhiều vị trí trong gan (96%). Hình thái và kích thước của sỏi rất đa dạng. Sỏi trong gan trái chiếm tỷ lệ cao nhất (68%). Khả năng tiếp cận toàn bộ sỏi bằng ống soi đạt 94,2%. Số lần tán sỏi trung bình trên 1 BN: 2,17 ± 0,78 lần. Sau khi thực hiện kỹ thuật, tỷ lệ sạch sỏi là 91,2%. Tỷ lệ tai biến là 6,5%, biến chứng sau can thiệp là 7,4 %. Trong quá trình theo dõi lâu dài, tỷ lệ sỏi tái phát là 9,4%.
Kết luận: Nội soi tán sỏi qua đường hầm dẫn lưu Kehr và đường hầm xuyên gan qua da bằng điện thủy lực là một phương pháp an toàn và hiệu quả để điều trị sỏi trong gan. Đây là can thiệp ít xâm hại có tỷ lệ sạch sỏi cao, tỷ lệ tai biến, biến chứng và sỏi tái phát thấp.