điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển và những điều cần lưu ý
Ung thư gan là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của các tế bào ung thư tại gan, trong đó ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) là loại tổn thương thường gặp nhất, chiếm khoảng 90% trong các loại ung thư tại gan. Theo Globocan 2020, tại Việt Nam ung thư gan đứng hàng thứ nhất kể cả về tỷ lệ tử vong và số ca mới mắc. Phần lớn ung thư gan nguyên phát thường xảy ra ở những người nhiễm viêm gan virus B hoặc C, hoặc xơ gan do rượu. UTBMTBG giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, phát hiện chủ yếu khi khám sức khoẻ định kỳ, khi bệnh đã có biểu hiện lâm sàng như gầy sút cân, chán ăn, mêt mỏi, đau hạ sườn phải, vàng da, chướng bụng thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư gan của Bộ y tế Việt Nam, một bệnh nhân được chẩn đoán UTBMTBG khi họ có hình ảnh khối u gan điển hình trên chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang hay trên chụp cộng hưởng từ ổ bụng có tiêm thuốc cản từ, có tăng chất chỉ điểm ung thư gan (AFP) trong máu, có hoặc không có nhiễm vi rút viêm gan B/C mà không nhất thiết phải sinh thiết gan. Sinh thiết gan sẽ được đặt ra nếu người bệnh không đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán này hoặc trong một số trường hợp đặc biệt cần phân biệt với các tổn thương ác tính khác của gan như ung thư đường mật.
Tiên lượng của bệnh UTBMTBG
UTBMTBG là một trong những bệnh ung thư có tiên lượng xấu. Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng tỉ lệ bệnh được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn tiến xa lên đến 80% và tỉ lệ sống năm năm của người bệnh cũng chỉ khoảng 18%.
Vì phần lớn UTBMTBG thường phát triển trên nền bệnh lý gan có sẵn như viêm gan vi rút, xơ gan, nên điều trị cũng như tiên lượng bệnh không những phụ thuộc vào giai đoạn bệnh mà còn phụ thuộc vào chức năng gan. Ở giai đoạn sớm, khi kích thước khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn hay di căn tới các tạng khác trong cơ thể và chức năng gan còn tốt, điều trị bằng phẫu thuật, ghép gan hay các phương pháp can thiệp tại chỗ như đốt sóng cao tần (RFA), nút mạch khối u gan (TACE) thì thời gian sống thêm của người bệnh có thể đạt từ 2 đến 5 năm. Tuy nhiên, khi bệnh đã ở giai đoạn tiến xa, khi khối u đã xâm lấn vào mạch máu hoặc di căn tới các tạng khác trong cơ thể thì tiên lượng chung là không khả quan, vởi tỉ lệ sống 1 năm, 2 năm và 3 năm tương ứng là 29%, 16% và 28%. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học, sự ra đời của các thuốc điều trị nhắm trúng đích, thuốc điều trị miễn dịch đã mang lại những cơ hội cải thiện thời gian sống thêm trên 1 năm cho những bệnh nhân ở giai đoạn này, tuỳ thuộc vào đáp ứng với điều trị, chức năng gan và thể trạng chung của người bệnh.
Điều trị UTBMTBG giai đoạn tiến xa
Phần lớn UTBMTBG ở giai đoạn tiến xa là không thể chữa khỏi. Tuy nhiên điều trị mang lại cơ hội kéo dài thời sống thêm, giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị như phẫu thuật, nút mạch khối u gan không được chỉ định như là một phương pháp điều trị đầu tay cho bệnh nhân ở giai đoạn này, trừ khi người bệnh gặp phải các biến chứng của bệnh như vỡ u gây chảy máu.
Hoá trị toàn thân cũng đã được chứng minh có vai trò hạn chế cho bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển mà độc tính của hoá trị lại cao, nên trên thực tế hoá trị cũng ít khi được chỉ định trong điều trị UTBMTBG.
Năm 2007, thuốc điều trị nhắm trúng đích Sorafenib (biệt dược Nexavar) đã chứng minh được vai trò trong cải thiện thời gian sống thêm cho người bệnh UTBMTBG ở giai đoạn tiến xa và được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép và khuyến cáo sử dụng. Sorafenib là thuốc ức chế đa kinase đường uống, cơ chế của thuốc là ngăn chặn các đường dẫn tín hiệu gây phát triển khối u trong các tế bào ung thư, do đó ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, phân chia và di căn. Sorafenib được coi là điều trị bước một chuẩn cho các trường hợp UTBMTBG không còn đáp ứng hoặc không phù hợp với các biện pháp điều trị can thiệp tại chỗ tại vùng như nút mạch hóa chất, hoặc đã có xâm nhập mạch máu đại thể hay di căn ngoài gan, với điều kiện chức năng gan còn tốt (Child-Pugh A hay B7). Nghiên cứu SHARP đã chứng minh, Sorafenib giúp làm giảm nguy cơ tử vong (31%) và thời gian sống còn toàn bộ cho người bệnh 10.7 tháng. Trải qua hơn 10 năm, hiện tại Sorafenib vẫn là thuốc được chỉ định đầu tay (bước 1) cho người bệnh ung thư gan giai đoạn tiến xa cả trên thế giới và Việt Nam. Tuy giá thành của thuốc còn khá cao, nhưng tại Việt Nam, thuốc đã được Bảo hiểm y tế chi trả 50% rất nhiều bệnh nhân đã có cơ hội được sử dụng thuốc này trong quá trình chống lại căn bệnh ung thư của mình. Tuy nhiên, những tác dụng không mong muốn của thuốc như mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, tăng huyết áp, hội chứng bàn tay chân ... là những vấn đề mà người bệnh cũng có thể gặp phải khi sử dụng thuốc. Điều này yêu cầu thuốc phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Ung bướu. Đồng thời, người bệnh cũng cần được theo dõi sát trong quá trình điều trị để phát hiện và xử lý kịp thời những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Bên cạnh Sorafenib, gần đây (năm 2018) Lenvatinib cũng là thuốc ức chế đa kinase đường uống được chỉ định trong điều trị bước 1 UTBMTBG tiến triển, không còn đáp ứng đối với các biện pháp điều trị tại chỗ, tại vùng hoặc đã có di căn ngoài gan, nhưng chưa có huyết khối nhánh chính tĩnh mạch cửa. Lenvatinib cũng cho thấy hiệu quả không kém hơn Sorafenib trong cải thiện thời gian sống thêm và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân UTBMTBG. Tuy nhiên, ở Việt nam hiện nay thuốc vẫn đang trong quá trình xin vào danh mục được Bảo hiểm y tế thanh toán và có giá thành vẫn còn cao.
Bên cạnh Sorafenib, Lenvatinib thì hiện nay điều trị miễn dịch cũng đã chứng minh mang lại những kết quả rất khả quan cho người bệnh UTBMTBG. Các nghiên cứu đã cho thấy, phác đồ có sự phối hợp của thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch Atezolumab và thuốc kháng tăng sinh mạch Bevacizumab giúp giảm tỷ lệ tử vong (42%), giảm tiến triển bệnh (41%) và cải thiện thời gian sống thêm cho người bệnh. Phác đồ này đã được FDA khuyến cáo sử dụng từ tháng 5/ 2020, tuy nhiên giá thành thuốc cao cũng là một khó khăn để người bệnh tiếp cận với các thuốc điều trị miễn dịch.
Regorafinib cũng đã được chứng minh mang lại lợi ích cho người bệnh UTBMTBG và được khuyên cáo trong điều trị bước 2. Regorafenib là một thuốc ức chế đa kinase đường uống, tác động vào các quá trình sinh mạch máu, tăng sinh tế bào u và vi môi trường khối u, giúp cải thiện tỉ lệ sống còn ở các bệnh nhân UTBMTBG. Các tác dụng phụ của regorafenib cũng tương tự sorafenib. Do đó, regorafenib được chấp thuận như là điều trị bước hai cho UTBMTBG khi đã thất bại với điều trị bước 1. Bên cạnh đó, Regorafenib là thuốc có nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chuỗi phối hợp sau tiến triển với sorafenib, cho thấy thời gian sống còn là 26 tháng tính từ thời điểm bắt đầu điều trị bước 1. Đây là một con số rất khả quan giúp mang lại hy vọng cho người bệnh ung thư gan khi đã ở giai đoạn muộn.
Tóm lại, Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ mắc mới cũng như tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh lý ung thư ở Việt Nam. Bệnh có tiên lượng xấu, thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, tỉ lệ sống trên năm năm không cao. Ở giai đoạn sớm, bệnh có tiên lượng tốt khi phẫu thuật hay các phương pháp điều trị tại chỗ có thể giúp kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh từ 2 đến 5 năm. Khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển điều trị toàn thân được chỉ định giúp cải thiện chất lượng lượng cuộc sống, giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Một lối sống lành mạnh, tránh xa rượu bia hay đồ uống có cồn, tiêm phòng viêm gan B, theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh lý viêm gan vi rút, kiểm tra sức khoẻ định kỳ có thể giúp người bệnh phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh lý ung thư gan.
(Bài trả lời do ThS BS Nguyễn Thị Dùng - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội biên soạn và được Ban Biên tập Trang TTĐT Hội Gan mật VN hoàn chỉnh. Nội dung này của Chuyên mục Giải đáp Gan mật tụy do Công ty Bayer đồng hành và tài trợ).
- 6 điều cần biết về bệnh viêm gan
- mắc bệnh gan nhiễm mỡ có được uống cafe không
- Chăm sóc dinh dưỡng bệnh nhân ung thư gan
- Điều trị ung thư gan giai đoạn trung gian kháng trị với biện pháp nút hóa chất động mạch
- Phòng tránh bệnh ung thư gan
- Bệnh nhân cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc điều trị đích để chữa bệnh ung thư gan giai đoạn tiến triển
- CÂU HỎI: Xin Bác sỹ cho biết hiện nay có những liệu pháp điều trị mới trong ung thư biểu mô tế bào gan?
- Bác sỹ cho biết với ung thư gan giai đoạn sớm thì có các biện pháp điều trị như thế nào?
- Bệnh ung thư Gan và những điều bạn nên biết
- Câu hỏi: Ung thư gan giai đoạn sớm có chữa được không? Các phương pháp nào hiện nay được dùng điều trị cho ung thư gan giai đoạn sớm ?
- Câu hỏi: Tôi đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, siêu âm phát hiện có 1 khối giảm âm ở gan. Vậy tôi phải làm gì tiếp theo để chẩn đoán?
- HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH LÝ GAN
- THẢO DƯỢC VỚI PHÒNG TRỊ UNG THƯ (CANCER)
- Thông điệp của WHO về Viêm gan năm 2020 là gì?
- Vì sao phải tăng cường đầu tư để loại trừ viêm gan?
- Tỷ lệ sống của người hiến gan và tuổi thọ sau khi hiến ?
- Xét nghiệm sinh hóa gan
- Giải đáp về AFP
- Rượu bia hủy hoại gan như thế nào?
- Viêm xơ chít đường mật nguyên phát
- Viêm tụy cấp
- Lưu ý khi dùng thuốc để bảo vệ gan
- Điều trị viêm gan C
- Viêm gan do rượu
- Lây nhiễm HBV từ mẹ sang con và cách phòng ngừa?