Điều trị ung thư gan giai đoạn trung gian kháng trị với biện pháp nút hóa chất động mạch

Nút mạch hóa chất động mạch (TACE) là phương pháp kết hợp ngăn chặn nguồn cung cấp máu  khối u ác tính trong gan và đưa thuốc chống ung thư vào khối u.

TACE từ lâu được xem là phương pháp điều trị ung thư gan cho các bệnh nhân không thể điều trị triệt để (giai đoạn trung gian), nhằm kiềm hãm sự phát triển khối u gan. TACE được chỉ định cho các trường hợp UTBMTBG mà khối u không cắt được, hoặc có nhiều u ở cả hai thùy, chưa có xâm nhập mạch máu và chưa có di căn ngoài gan, trên bệnh nhân có PS 0-2, chức năng gan là Child Pugh A,B. TACE nên được thực hiện chọn lọc hay siêu chọn lọc để tăng hiệu quả, giảm biến chứng và giảm ảnh hưởng đến phần gan lành quanh u. TACE chọn lọc cũng được chỉ định cho các trường hợp u nhỏ nhưng không thể thực hiện đốt u được do vị trí khó hay do có các bệnh lý đi kèm làm tăng nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, hiệu quả của TACE không quá cao, chỉ khoảng 30-50% bệnh nhân có đáp ứng tốt. Bên cạnh đó, TACE có khả năng ảnh hưởng đến chức năng gan và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nếu được thực hiện nhiều lần. Nhằm cân bằng giữa lợi ích và hậu quả của TACE, việc lựa chọn bệnh nhân để thực hiện TACE phải tuân thủ một số đặc điểm như: chức năng gan, chức năng thận, thể trạng, kích thước, số lượng và đặc điểm khối u. Khuyến cáo mới hiện nay cũng qui định số lượng và kích thước u cụ thể để tránh thực hiện TACE ở bệnh nhân có quá nhiều u và/hoặc khối u quá lớn. Ngoài ra, một khối u có đặc tính dự đoán thực hiện TACE thất bại cũng không nên chỉ định TACE. Các đặc điểm này sẽ do bác sĩ chuyên khoa xác định. Càng thực hiện nhiều lần, hiệu quả của TACE ở những lần sau sẽ giảm dần.    

 

 

TACE không thể được thực hiện quá nhiều lần liên tục, theo Hiệp hội Gan mật của Nhật đưa ra một số tiêu chuẩn thất bại/kháng trị:

  • Khối u gan
    • ≥ 2 lần TACE không hiệu quả liên tiếp (>50% khối u còn hoạt động) ngay cả sau khi thay đổi hóa chất chống ung thư và/hoặc tái đánh giá động mạch nuôi u sau TACE chọn lọc được thực hiện.
    • ≥ 2 lần tiến triển liên tục trong gan (tăng số lượng khối u so với trước TACE) ngay cả sau khi thay đổi hóa chất chống ung thư và/hoặc tái đánh giá động mạch nuôi u sau TACE chọn lọc được thực hiện.
  • AFP tăng liên tục ngay sau TACE
  • Khối u xâm nhập mạch máu (tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan, tĩnh mạch chủ dưới...)
  • Di căn ngoài gan (phổi, xương, hạch...)

Ở những trường hợp thất bại hay kháng trị với TACE, điều trị toàn thân là lựa chọn thích hợp. Hiện tại có 2 nhóm thuốc chính để điều trị toàn thân là nhóm thuốc ức chế tyrosine kinase (Sorafenib, Lenvatinib, Regorafenib, Cabozantinib) và nhóm thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (Ức chế anti PD1/PD-L1 như Atezolizumab, Nivolumab, Pembrolizumab; ức chế  CTLA-4 như Ipilimumab). Tại Việt Nam, theo khuyến cáo điều trị UTBMTBG của BYT các thuốc điều trị toàn thân được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau: Sorafenib hay Lenvatinib, Regorafenib hay Pembrolizumab. Một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp bevacizumab với atezolizumab cho hiệu quả trong việc cải thiện thời gian sống thêm không bệnh ở các bệnh nhân UTBMTBG giai đoạn muộn hoặc tái phát. Không phải tất cả bệnh nhân thất bại hay kháng trị với TACE được chỉ định với các thuốc này, điều trị toàn thân chỉ áp dụng cho những bệnh nhân có chức năng gan còn tốt, tình trạng hoạt động thể chất còn tốt. Lựa chọn thuốc tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa và tùy theo từng bệnh nhân. Ngoài ra, khi thuốc điều trị không đáp ứng tốt hay có tác dụng phụ nặng không thể tiếp tục thuốc, bác sĩ chuyên khoa sẽ có cân nhắc ngưng thuốc và thay đổi thuốc. Nhóm thuốc ức chế tyrosine kinase thường có tác dụng phụ là tiêu chảy, hội chứng tay chân và tăng huyết áp. Nhóm thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch thường có triệu chứng như mệt mỏi, phát ban, tiêu lỏng hay các phản ứng bất lợi liên quan đến miễn dịch như viêm phổi kẻ, viêm thận...Giá thành cao cũng là yếu tố cần cân nhắc khi tư vấn cho bệnh nhân. Ngoài ra, không phải cơ sở y tế nào cũng có đầy đủ các loại thuốc trên.

(Bài trình bày do BS Võ Hội Trung Trực - Bệnh viện Chợ Rẫy biên soạn và được Ban Biên tập Trang TTĐT Hội Gan mật VN hoàn chỉnh. Nội dung này của Chuyên mục Giải đáp Gan mật tụy do Công ty Bayer đồng hành và tài trợ).

about-star
about-star