Viêm gan siêu vi và cách phòng bệnh

Viêm gan siêu vi là bệnh viêm của gan do siêu vi (hay còn gọi là vi rút) gây nên. Các siêu vi gây bệnh thường gặp là siêu vi A, B, C, D và siêu vi  E. Tùy theo siêu vi gây bệnh mà được đặt tên khác nhau là viêm gan siêu vi A, B, C, D hay viêm gan siêu vi E. Theo ghi nhận của bệnh viện đa khoa Kiên Giang, xét nghiệm 100 người hiến máu có khoảng 15 người dương tính với siêu vi B và 1 đến 2 người dương tính với siêu vi C. Viêm gan siêu vi có thể dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan. Do đó, người dân cần phải có kiến thức về bệnh này đề phòng tránh.

Viêm gan siêu vi là bệnh viêm của gan do siêu vi (hay còn gọi là vi rút) gây nên. Các siêu vi gây bệnh thường gặp là siêu vi A, B, C, D và siêu vi  E. Tùy theo siêu vi gây bệnh mà được đặt tên khác nhau là viêm gan siêu vi A, B, C, D hay viêm gan siêu vi E. Theo ghi nhận của bệnh viện đa khoa Kiên Giang, xét nghiệm 100 người hiến máu có khoảng 15 người dương tính với siêu vi B và 1 đến 2 người dương tính với siêu vi C. Viêm gan siêu vi có thể dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan. Do đó, người dân cần phải có kiến thức về bệnh này đề phòng tránh.

ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN

         Bệnh viêm gan siêu vi A và E: lây truyền theo đường tiêu hóa do dùng nước uống, thực phẩm bị nhiễm siêu vi hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người đã mắc mầm bệnh. Bệnh viêm gan siêu vi B, C và D: lây truyền qua đường máu (như truyền máu, dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, cây nặn mụn, kìm cắt móng, kim xăm, bàn chải đánh răng...), đường tình dục và đường từ mẹ truyền sang con.

          Triệu chứng bệnh: Sau khi mắc bệnh, có người không có biểu hiện triệu chứng, có người biểu hiện vàng da, vàng mắt. Dựa theo thời gian, viêm gan siêu vi được chia thành 2 loại là viêm gan siêu vi cấp và viêm gan siêu vi mạn. Viêm gan siêu vi cấp có thời gian mắc bệnh kéo dài không quá 6 tháng, có thể có các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ, tiểu vàng, vàng mắt, vàng da, đau tức vùng gan, buôn nôn…Viêm gan siêu vi mạn có thời gian mắc bệnh kéo dài trên 6 tháng, ở giai đoạn nầy thường bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, về sau bệnh nhân có thể bị xơ gan, ung thư gan. Viêm gan siêu vi A và siêu vi E không tiến triển thành bệnh viêm gan mạn, viêm gan siêu vi B, C và D có thể tiến triển thành bệnh viêm gan mạn.

          Điều trị: Viêm gan siêu vi cấp, chủ yếu điều trị triệu chứng như nghĩ ngơi, kiêng rượu bia, hạn chế ăn chất béo, tránh dùng thuốc gây tổn thương gan như thuốc giảm đau paracetamol, có thể dùng thuốc trợ gan điều trị. Viêm gan siêu vi mạn, dùng thuốc kháng siêu vi (siêu vi B, C và D).

PHÒNG BỆNH

         Tiêm vắc xin phòng bệnh: Vắc xin phòng viêm gan siêu vi A, tiêm cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn đủ 2 mũi cách nhau 6 tháng. Vắc xin phòng viêm gan B, tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi; Với trẻ em và người trưởng thành chưa bị nhiễm có thể dùng lịch tiêm 3 mũi.

          Phòng lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con: phòng trong lúc bà mẹ đang mang thai và sau sinh. Trong lúc mang thai nếu bà mẹ có lượng siêu vi B trong máu cao sẽ được uống thuốc kháng vi rút từ 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi sinh trẻ được tiêm đồng thời vắc xin viêm gan B và chất kháng siêu vi B trong vòng 12 giờ sau sinh, sau đó, tiêm đầy đủ vắc xin viêm gan B cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

          Các biện pháp phòng bệnh khác: Phòng ngừa viêm gan siêu vi A và E bằng cách ăn thức ăn đã nấu chín, rửa kỹ rau, uống nước đã đun sôi để nguội, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn.  Phòng ngừa viêm gan B, C và D: sàng lọc máu, không dùng chung bơm kim tiêm và các vật dụng cá nhân (như dao cạo râu, cây nặn mụn, kìm cắt móng, kim xăm, bàn chải đánh răng…), dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.     

about-star
about-star