Mít tinh Kỷ niệm Ngày Viêm gan Thế giới 28/7/2020 & Toạ đàm "Nâng cao Phòng trị Viêm gan ở Việt Nam"

Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao trên thế giới, trong đó các bệnh lý viêm gan do virus nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây những biến chứng nặng, được coi là "sát thủ thầm lặng" với người bệnh.

Sáng 28/7, tại Hà Nội, Hội Gan mật Việt Nam phối hợp cùng Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Viêm gan Thế giới (28/7) với chủ đề "Cho một tương lai không có viêm gan" và Toạ đàm "Nâng cao phòng trị viêm gan ở Việt Nam" với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành gan mật trong nước cũng như của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

GS. TS. Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Đây là sự kiện thường niên theo sáng kiến của Hội Gan mật Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc phòng ngừa và điều trị viêm gan, đồng thời là dịp để các nhà chuyên môn trao đổi các phương pháp khoa học mới, hữu hiệu trong chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh lý về gan, mật.

Thiếu tướng, GS. TS. Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao trên thế giới. "Viêm gan virus nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt sẽ gây nhiều biến chứng nặng như xơ gan, ung thư gan, và được coi như là một "Sát thủ thầm lặng" với sức khoẻ con người", GS. TS. Lê Trung Hải nêu.

Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho hay, các bệnh lý về gan, chỉ tính riêng viêm gan B, trung bình mỗi một phút lại cướp đi hai sinh mạng trên thế giới do những biến chứng nghiêm trọng. Ở Việt Nam, số người mắc viêm gan B mạn lên đến 8 triệu, trong khi một triệu người khác mắc chứng viêm gan C mạn.

"Ước tính của WHO cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người chết do bệnh lý liên quan đến viêm gan B và viêm gan C", GS. TS. Lê Trung Hải nhấn mạnh. "Ở Việt Nam ung thư gan chiếm nhiều nhất trong các loại ung thư, gây tử vong hàng năm trên 25.000 trường hợp, gấp ba số ca tử vong do tai nạn giao thông".

Các chuyên gia đầu ngành về gan, mật tại toạ đàm "Nâng cao phòng trị viêm gan tại Việt Nam".

TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia WHO tại Việt Nam thông tin thêm, viêm gan B, viêm gan C cùng với các bệnh lý viêm gan, xơ gan đã và đang là những thách thức to lớn đối với nền y tế thế giới và khu vực nói chung, với Việt Nam nói riêng. Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về tỷ lệ ca mắc mới ung thư gan.

Bà Vân cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bởi tỷ lệ nhiễm virus viêm gan trong dân chúng cao và tỷ lệ tiêu thụ rượu bia lớn. "Đây là bệnh lý nguy hiểm và là gánh nặng rất lớn cho không những người bệnh mà còn cho gia đình người bệnh, cho hệ thống chăm sóc y tế chuyên ngành", chuyên gia WHO cảnh báo.

Tại toạ đàm "Nâng cao phòng trị viêm gan tại Việt Nam" diễn ra sau đó, các chuyên gia đầu ngành về gan mật Việt Nam cũng như đại diện WHO đã trình bày tham luận, báo cáo, cung cấp nhiều thông tin về các bài học kinh nghiệm rất mới, quý giá về chẩn đoán, điều trị người mắc viêm gan, ung thư gan.

Các bệnh lý về gan được xem là "sát thủ thầm lặng".

Các chuyên gia cũng trao đổi kinh nghiệm về vấn đề điều trị và quản lý người bệnh viêm gan trong bối cảnh hiện nay, đúng theo một trong những chủ đề Ngày Viêm gan Thế giới 2020 do WHO đặt ra là duy trì dịch vụ cần thiết cho bệnh nhân viêm gan trong đại dịch COVID-19.

Nhân dịp này, Hội Gan mật Việt Nam đã phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức trao quà cho các bệnh nhân viêm gan; trao giải cuộc thi "Đừng gục ngã trước virus viêm gan" và vận động quyên góp cho các bệnh nhân viêm gan thông qua đấu giá tranh.

about-star
about-star