Hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị viêm gan siêu vi C

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh viêm gan siêu vi (VGSV) C cho người dân, góp phần giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân nghèo, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) Kiên Giang phối hợp Hội Gan Mật Việt Nam và Sở Y tế tổ chức chương trình “Yêu lá gan của bạn”; đồng thòi, vận động các đơn vị tài trợ chương trình hỗ trợ thuốc để bệnh nhân mắc bệnh VGSV C có cơ hội tiếp cận điều trị.

Nằm trong chương trình “Yêu lá gan của bạn”, Hội BTBNN Kiên Giang phối hợp Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic (TP Hồ Chí Minh) tổ chức các đợt xét nghiệm tầm soát bệnh nhân VGSV C miễn phí cho người dân là hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm phát hiện bệnh nhân VGSV C, vận động các nhà tài trợ chương trình hỗ trợ thuốc điều trị miễn phí và quản lý việc điều trị cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ.

Người dân được lấy máu xét nghiệm, tầm soát viêm gan viêm gan siêu vi C

Theo hội BTBNN Kiên Giang, toàn tỉnh có trên 3.700 người được xét nghiệm tầm soát bệnh VGSV C. Kết quả, có 77 bệnh nhân VGSV C type 1 đủ tiêu chuẩn điều trị thuốc của chương trình tài trợ. Trong quá trình điều trị, có 70 bệnh nhân tuân thủ điều trị đến kết thúc liệu trình, còn 7 người vẫn được điều trị nhưng không tuân thủ đúng quy trình xét nghiệm máu sau khi sử dụng thuốc (không báo cáo kết quả). Trong 70 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Zepatier uống 1 viên/ngày (điều trị liên tục 12 tuần), sau khi ngưng thuốc 3 tháng và xét nghiệm lại có 66 người đạt kết quả mong muốn, không phát hiện vi rút VGSV C, đạt 94,3%; 4 bệnh nhân tái phát bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình – Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân VGSV C trên địa bàn tỉnh, cho biết: “Nhờ chương trình hỗ trợ thuốc điều trị bệnh VGSV C mà nhiều bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội điều trị khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe, tiếp tục điều trị bệnh tại Khoa Nhiễm. Hội BTBNN Kiên Giang tiếp tục vận động các chương trình mới để hỗ trợ các bệnh nhân này, đồng thời đang vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thuốc điều trị cho các bệnh nhân VGSV C không thuộc type 1 trong thời gian tới”.

Anh Trần Quốc Phong, ngụ xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) phát hiện mắc bệnh VGSV C đầu năm 2017. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn anh Phong không đủ chi phí điều trị bệnh. “Từ khi mắc bệnh, cơ thể tôi luôn mệt mỏi, uể oải, ăn uống kém, làm việc không hiệu quả. Đi khám bệnh, bác sĩ khuyên tôi nên điều trị sớm vì để lâu có thể chuyển qua biến chứng xơ gan, ung thư gan. Nếu điều trị sẽ tốn hàng chục triệu đồng, gia đình tôi không có khả năng chi trả. Nhờ chương trình hỗ trợ thuốc điều trị hoàn toàn miễn phí, đến nay tôi đã khỏi bệnh, sức khỏe tốt, có thể đi làm lại bình thường. Hết bệnh, tôi đã trút được gánh nặng về kinh tế, tinh thần vui vẻ hơn”, anh Phong chia sẻ.

Theo Hội Gan mật Việt Nam, bệnh VGSV C được xem như là “một sát thủ thầm lặng”, vì hầu hết những người nhiễm không có biểu hiện bên ngoài ở giai đoạn đầu. Khi bệnh ở giai đoạn nặng đã chuyển qua biến chứng xơ gan, ung thư gan… Đến giai đoạn này, người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị và nguy cơ tử vong rất cao. Nếu được phát hiện sớm thì bệnh viêm gan do vi rút C hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Do đó, điều quan trọng để phòng ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan là việc tầm soát, xét nghiệm, phát hiện và điều trị sớm bệnh VGSV C.

Bài viết: MI NI

about-star
about-star