Các hoạt động và thành tựu mới về ghép gan

Trong đầu tháng 3/2020 tại 4 điểm cầu truyền hình ở các Bệnh viện TƯQĐ 108, BV Việt Đức, Hà Nội và BV Chợ Rẫy, Bệnh viện ĐHYD tp HCM với sự trợ giúp của Hãng Dược phẩm Astellas đã diễn ra Hội thảo Quốc tế trực tuyến về Ghép gan. Báo cáo viên chính của Hội thảo là GS Stefan Schneeberger của Khoa Ghép tạng, Đại học Y khoa Innsbruck, Áo và Chủ toạ điều khiển là GS Gi-Won Song của Khoa Phẫu thuật Gan mật và Ghép gan, Bệnh viện Asan, Hàn Quốc. Các thầy thuốc chuyên ngành ghép gan, nội ngoại khoa gan mật, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, huyết học truyền máu … đã đến tham dự.

 

Hình 1: Hội thảo Quốc tế trực tuyến về Ghép gan tại Bệnh viện TƯQĐ 108

 

Tại Hội thảo, GS Schneeberger đã tổng hợp các vấn đề nổi bật về ghép gan qua các hội nghị, hội thảo quan trọng của ATC, ESOT và ILTS trong năm 2019 liên quan chính đến các vấn đề điều trị trước, trong và sau ghép gan. Nhìn chung, hiện nay ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á đã đẩy mạnh phát triển ghép gan cả về kiến thức và tay nghề. Phân tích trên 5000 ca ghép gan từ người cho sống ở một trung tâm ghép gan ở Hàn Quốc cho thấy ghép gan phải chiếm chủ yếu (75%), không có tử vong với người cho, thời gian sống thêm 1 năm và 10 năm sau ghép của BN lần lượt là 93% và 84,8%, của mảnh gan ghép là 92,4% và 83,6%. Áp dụng phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt lấy gan để ghép trên 511 ca tại 5 trung tâm ở Hàn Quốc có tỷ lệ thành công là 98% và thời gian nằm viện sau ghép rút ngắn (9,4 ngày). Tại Nhật Bản với 2085 ca ghép gan từ người cho sống do bệnh teo đường mật bẩm sinh có thời gian sống thêm sau ghép 1 năm và 20 năm lần lượt là 90,5% và 79% - một kết quả rất đáng khích lệ. Rửa gan bằng máy giúp cải thiện khi có biến chứng sớm so với bảo quản lạnh trước đây và sử dụng mạch máu nhân tạo hình kim cương giúp thực hiện kỹ thuật nối mạch máu tĩnh mạch gan nhanh hơn và đơn giản hơn trong ghép gan từ người cho sống. Điều trị bằng UDCA (acid mật) sau ghép gan với BN viêm đường mật tiên phát giúp dự phòng tái phát bệnh và kéo dài thời gian sống thêm của gan ghép. Nhiều ý kiến tham luận và câu hỏi đã được các đại biểu trao đổi, chia sẻ giải đáp để nâng cao cập nhật kiến thức và kỹ thuật trong chuyên ngành ghép gan.

 

Hình 2: Áp dụng cải tiến kỹ thuật tạo hình khâu nối tĩnh mạch gan trong ghép gan từ người cho sống tại Bệnh viện TƯQĐ 108

 

          Tại Bệnh viện TƯQĐ 108 cũng trong tuần đầu tháng 3 đã duyệt thông qua Đề tài cấp Bộ Quốc phòng về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển kỹ thuật ghép gan từ người cho sống” do TS BS Lê Văn Thành - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan mật tuỵ và Ghép gan BV TƯQĐ 108 làm Chủ nhiệm đề tài. Qua triển khai đề tài sẽ xây dựng và hoàn thiện các quy trình tuyển chọn, phẫu thuật ghép gan và điều trị sau ghép gan lấy từ người cho sống. Đồng thời triển khai thành công nhiều trường hợp ghép gan từ người cho sống với áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật.

 

Hình 3: Thiếu tướng GS TS Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên họp xét duyệt thông qua đề tài cấp Bộ Quốc phòng về Ghép gan

 

Đến nay ở Việt Nam, sau trường hợp ghép gan đầu tiên thành công tại Bệnh viện QY 103 vào tháng 1/2004 đến nay đã đạt được nhiều thành tựu mới với hơn 200 trường hợp ghép gan được thực hiện tại 9 bệnh viện, trong đó Bệnh viện Việt Đức có số lượng nhiều nhất là gần 80 ca, Bệnh viện TƯQĐ 108 trong hơn 2 năm gần đây có số lượng trường hợp ghép gan từ người cho sống tăng mạnh với gần 30 ca. Đặc biệt tại đây đã ứng dụng nhiều trang thiết bị hiện đại và cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng và kết quả sau ghép, đảm bảo an toàn cho cả người cho gan và người nhận với kết quả tốt. Trong thời gian gần đây các Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Vinmec cũng đã tích cực triển khai ghép gan cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Quỹ Phòng chống Viêm gan và Hỗ trợ Ghép gan của Hội Gan mật Việt Nam đã đến thăm và tặng quà cho bệnh nhân ghép gan ở Bệnh viện Đại học Y Dược tp HCM và Bệnh viện TƯQĐ 108 có hoàn cảnh khó khăn.

 

Hình 4: GS TS Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam thăm và tặng quà cho BN ghép gan tại Bệnh viện ĐHYD tp HCM

 

          Ở Việt Nam, nơi mà ung thư tế bào gan đang chiếm vị trí nhiều nhất gây tử vong hàng năm cho trên 25 nghìn trường hợp và cùng với các bệnh lý gan mật khác đang là những thách thức to lớn đối với ngành y tế và chuyên ngành gan mật của nước ta. Việc đẩy mạnh triển khai ghép gan ở Việt Nam - một kỹ thuật công nghệ cao hàng đầu như là biện pháp cứu cánh và mang lại chất lượng sống cho các bệnh nhân bị bệnh lý gan mật giai đoạn cuối khi các phương pháp điều trị khác không có kết quả. Với việc áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng điều trị, giúp nâng tầm vị thế của chuyên ngành gan mật Việt Nam và góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân./.

about-star